Rượu vang tốt cho sức khỏe

Kết quả một cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH Y Harvard (Mỹ) được công bố gần đây chứng minh rằng, những phụ nữ thường xuyên uống một ly vang nhỏ mỗi ngày ít có nguy cơ bị bệnh tim, ung thư và đái tháo đường khi lớn tuổi hơn.

    Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét tầm ảnh hưởng của việc uống rượu vang ở tuổi trung niên với nguy cơ phát triển các căn bệnh thông thường liên quan đến tuổi tác trong số 13.894 phụ nữ.
    Kết quả, sau khi loại trừ các tác nhân khác gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cũng như làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh như hút thuốc lá, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, những phụ nữ uống một lượng rượu vang vừa phải mỗi ngày, ít có khả năng phát triển các căn bệnh mãn tính khi về già.
    Cụ thể, so với những người không uống rượu, những phụ nữ trung niên thường xuyên uống một ly rượu vang nhỏ mỗi ngày giảm được 20% nguy cơ mắc bệnh khi đến tuổi 70.
    Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những phụ nữ thường xuyên uống một lượng rượu vang vừa phải mỗi ngày mang lại nhiều lợi ích hơn những người thỉnh thoảng uống.
    Theo đó, những phụ nữ uống rượu vang điều độ từ 5-7 ngày mỗi tuần, giảm được 50% nguy cơ phát triển bệnh. Trong khi những phụ nữ uống 3-4 ngày mỗi tuần chỉ giảm được 29% nguy cơ phát triển bệnh.
    Qi Sun - nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Y Harvard (Mỹ) - cùng các cộng sự ở tạp chí PLoS Medicine (Anh) cho biết: “Việc thường xuyên tiêu thụ rượu vang với mức độ vừa phải suốt tuần giúp gia tăng tình trạng sức khỏe, trong khi nếu chỉ uống một hoặc hai ngày/tuần sẽ chẳng mang lại lợi ích gì”.
    Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu trên đã ủng hộ những đề xuất mới đây của giới chuyên môn rằng, việc tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải, như uống một ly nhỏ rượu vang thường xuyên mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với đàn ông có thề mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

    Thực phẩm tăng cường miễn dịch

    Tăng cường hệ miễn dịch là cách tốt nhất để chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

      Sau đây là những loại thực phẩm quen thuộc giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
      • Dưa hấu
      Dưa hấu chứa nhiều chất glutathione và chất chống ôxy hóa mạnh mẽ, có tác dụng củng cố cho hệ miễn dịch thêm khỏe mạnh để chống lại các viêm nhiễm. Glutathione được tìm thấy nhiều trong phần thịt đỏ gần vỏ dưa hấu.
      • Bắp cải
      Đây là nguồn cung cấp glutathione giúp tăng cường hệ miễn dịch rất tốt. Bạn hãy bổ sung bắp cải vào thực đơn để làm tăng thêm chất chống ôxy hóa, làm cho bữa ăn của bạn thêm giá trị dinh dưỡng.
      • Bưởi
      Bưởi chứa nhiều vitamin C, giúp chữa bệnh cảm lạnh và bệnh cúm. Nếu bạn không thích bưởi thì có thể dùng cam hoặc quýt.
      • Sữa chua ít béo
      Dùng một ly sữa chua ít béo mỗi ngày sẽ giúp cơ thể hạn chế mắc bệnh cảm lạnh. Ngoài ra, trong sữa chua cũng có nhiều vitamin D làm giảm nguy cơ mắc bệnh cảm cúm cho cơ thể.
      • Hàu
      Hàu nhiều kẽm nên hỗ trợ đắc lực cho các quý ông về chức năng sinh sản. Kẽm còn góp phần chống lại các tác động của virút. Ngoài ra, kẽm còn đóng vai trò quan trọng cho các hoạt động của hệ miễn dịch, trong đó có cả việc chữa lành vết thương.
      • Tỏi
      Tỏi chứa dồi dào chất chống ôxy hóa, giúp hệ miễn dịch chống lại các tác nhân xâm nhập và gây hại cho cơ thể. Trong số các mục tiêu tiêu diệt của tỏi thì có vi khuẩn H.pylori – vi khuẩn gây loét và ung thư bao tử. Bí quyết khi nấu ăn: hãy lột vỏ, băm nhuyễn, để khoảng 15 đến 20 phút trước khi nấu ăn để các enzyme trở nên có lợi cho hệ miễn dịch hoạt động.
      • Cải bó xôi
      Cải bó xôi còn được gọi là siêu thực phẩm vì chứa chất dinh dưỡng dồi dào. Cải bó xôi còn giúp cơ thể sản xuất ra các tế bào mới và hồi phục lại DNA, là nguồn cung cấp chất xơ, chất chống ôxy hóa, vitamin C và nhiều hơn thế nữa. Hãy ăn cải bó xôi sống hoặc nấu sơ để có nhiều chất dinh dưỡng nhất.
      • Khoai lang
      Cũng giống như cà rốt, khoai lang chứa nhiều chất chống ôxy hóa beta-carotene tiêu diệt các gốc tự do gây hại. Khoai lang cũng là thực phẩm chứa nhiều vitamin A, có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa và giảm các nguy cơ gây bệnh ung thư.
      • Bông cải xanh
      Bông cải xanh là thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch. Ngoài ra, bông cải xanh còn có vitamin A, C và nhiều chất dinh dưỡng khác bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây hại.
      • Nấm nút
      Trong nấm nút có selen và chất chống ôxy hóa. Lượng selen trong nấm nút sẽ ngăn chặn sự phát triển của các yếu tố gây bệnh cảm cúm. Vitamin B12 và sinh tố có trong nấm nút giữ một vai trò quan trọng để giữ cho hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh.

      Dinh dưỡng cho trẻ tiểu đường

      Một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ vitamin và khoáng chất từ các thực phẩm đa dạng như thịt cá, rau quả và các loại hạt giàu đạm thực vật sẽ có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.

        Nếu trẻ không may mắc bệnh tiểu đường, các bậc phụ huynh nên chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ như sau:
        Hạn chế đường
        Khi chế biến món ăn và thức uống cho trẻ, bạn nên hạn chế thêm đường nhằm kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể của trẻ ở mức thấp nhất. Hiện nay, trên thị trường có bán các loại đường ăn kiêng dành cho người bị tiểu đường, bạn có thể dùng những sản phẩm này cho trẻ để thay thế các loại đường thông thường nhưng vẫn đảm bảo sự ngon miệng cho trẻ khi ăn.
        Tránh ăn mỡ
        Đối với các loại thịt thông thường như heo, bò, cá, gà, vịt… bạn chỉ nên sử dụng phần nạc khi chế biến món ăn cho trẻ, nhằm tránh hấp thụ lượng chất béo bão hòa không có lợi cho sức khỏe. Bạn cũng có thể thay đổi các loại thịt này bằng thịt lươn, chim, tép tươi, ếch, cua, nghêu, trứng… để bữa ăn thêm phong phú. Khi chế biến thức ăn nên chọn dầu thực vật như đậu phộng, dầu mè, dầu hướng dương, dầu ô liu… để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.
        Ăn nhiều rau trái
        Rau xanh và trái cây là nguồn thực phẩm rất cần thiết trong mỗi bữa ăn bởi chúng cung cấp dồi dào vitamin, muối khoáng và chất xơ cho cơ thể. Một chế độ ăn với nhiều chất xơ sẽ có tác dụng giữ nước, chống táo bón, giúp giải độc và làm chậm quá trình hấp thụ đường trong cơ thể. 
        Các loại rau như rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, khổ qua, dưa leo, củ cải trắng, đậu bắp… đều phù hợp với trẻ bị tiểu đường. 
        Với trái cây, không phải loại trái nào cũng tốt, trẻ mắc bệnh tiểu đường cần tránh các loại trái cây ngọt như nho, xoài, na, nhãn…Thay vào đó, các em nên ăn những loại trái cây ít ngọt như: dâu tây, dưa lê, quả bơ, đào, bưởi, cam, đu đủ, ổi, mận, táo, thanh long…
        Chia nhỏ bữa ăn
        Bạn cũng nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và cho trẻ ăn uống đúng giờ để tránh tình trạng dung nạp đường huyết quá nhiều cũng như tránh tình trạng hạ đường huyết quá lâu ở trẻ.
        Những điều không nên làm
        Bạn không nên cho trẻ ăn các món ăn hầm nhừ, chiên, nướng với nhiệt độ quá cao vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng của món ăn. Thêm vào đó, không nên cho trẻ ăn quá mặn (lượng muối tiêu thụ mỗi ngày không quá 6 gam), không để trẻ sử dụng nhiều đồ ăn đông lạnh, không cho trẻ em dùng những thức ăn có chứa chất màu tổng hợp và đặc biệt không để trẻ dùng thức uống của người lớn hay những loại thức ăn nhanh nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ. 
        Những thực phẩm cần cho trẻ ăn là ngũ cốc nguyên hạt như ngô, khoai, các loại rau, quả chín như rau muống, cam, táo, lê… có chứa nhiều vitamin, sắt, axít folic.
        Tập thể thao
        Những vận động nhẹ nhàng trong ngày như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội… cũng hỗ trợ đáng kể cho việc điều trị bệnh tiểu đường. Do vậy, bạn nên khuyến khích trẻ thường xuyên vận động thể thao để tăng cường sự dẻo dai và bền bỉ cho sức khỏe.

        16 thực phẩm giúp tẩy độc cơ thể

        Một phương pháp ăn uống mới, trong đó dành một “khoảng lặng” thanh lọc sẽ giúp cơ thể bớt thèm ăn, đánh thức hệ thống tiêu hoá, và sẵn sàng cho một lối sống khoẻ mạnh hơn …

          A-ti-sô: chứa các hợp chất chống ôxy hoá có tác dụng đối với các rối loạn chức năng gan vì chúng kích thích tăng lượng mật. Mật giúp cơ thể tiêu hoá chất béo và tẩy sạch các chất dễ gây viêm nhiễm tiềm ẩn trong thực phẩm nhiều chất béo.
          Quả bơ: cung cấp các axít béo không no và glutathione, một chất chống oxy hoá, có lợi cho tim mạch. Những chất này cần thiết cho việc thanh lọc gan đồng thời cũng ngăn cản sự hấp thụ các chất béo qua đường ruột.
          Củ cải đường: nằm trong số ít những cây lương thực có chứa betalain, đồng thời sở hữu những thuộc tính mạnh mẽ chống viêm và kháng nấm. Betalain thúc đẩy cấu trúc tế bào, sửa chữa và tái tạo, đặc biệt là (tế bào) gan - trung tâm thanh lọc, giải độc của cơ thể.
          Bông cải xanh: có tính năng chống ôxy hoá mạnh mẽ. Khoa học đã chứng minh ăn kiêng với nhiều loại rau cải làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Các loại rau cải khác cũng có công dụng tương tự là bắp cải, súplơ, cải xoăn.
          Cải xanh: giúp duy trì việc kiểm soát cholesterol xấu (LDL) hiệu quả.

          Rễ cây bồ công anh: tác động như một chất lợi tiểu bằng cách đẩy mạnh việc sản sinh nước tiểu.
          Cây thì là: giàu vitamin và các chất kháng viêm. Thì là giàu chất xơ nhưng lại ít năng lượng nên là một thực phẩm thanh lọc cơ thể lý tưởng.
          Trà xanh: giàu các chất chống ôxy hoá hơn các loại trà trắng, trà đen, và trà ô long dù chúng đều có xuất xứ từ cùng là trà. Chất caffeine trong trà xanh cũng mang đến cho loại thức uống giàu năng lượng này tác dụng lơi tiểu, giúp giảm thiểu sự trướng bụng, ngăn chặn việc giữ nước trong cơ thể.
          Chanh, cũng như các loại cam quít, chanh rất giàu chất chống oxy hoá vitamin C.

          Hành và tỏi: chứa chất flavonoid có tác dụng thúc đẩy sản sinh glutathione, là một trong các chất chống ôxy hoá gan mạnh nhất. Vì vậy, hành và tỏi sở hữu những đặc tính kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch.
          Các loại rau quả tươi (rau xanh) là những nguồn giàu glutathione- chất cần thiết cho việc tẩy độc gan. Rau quả tươi cũng là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời giúp thúc đẩy nhu động ruột. Các loại rau quả cứng giòn có nhiều chất xơ hơn.
          Sữa chua: cung cấp những vi khuẩn có lợi cho sức khoẻ, giúp củng cố, hỗ trợ hệ tiêu hoá và tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

          Chế độ ăn cho người suy thận mạn

          Chế độ ăn cần dựa trên nguyên tắc là phải đủ năng lượng, đủ vitamin, đủ yếu tố vi lượng, đảm bảo cân bằng nước, điện giải.

          Trước nhất, cần hạn chế muối tối đa để tránh cao huyết áp. Không cho thêm muối vào thức ăn và kiêng cả các loại thức ăn có chứa nhiều muối như khô, mắm, tương, chao...
          Tránh các thực phẩm chứa nhiều kali như các loại rau tươi, trái cây, nhất là cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, dâu...
          Bổ sung đạm cho người lớn nên từ 0,4 - 0,8g/kg/ngày, tùy theo mức độ suy thận. Riêng trẻ em cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nên sử dụng đạm từ thịt bò, gà, lợn, vịt, cá, tôm, sữa... Không nên ăn nhiều đạm thực vật. Hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều phospho như: phô-mai, gan, các loại đậu, trứng...
          Về năng lượng, người lớn: cần đảm bảo từ 35 - 40 kcal/kg/ngày. Trẻ em: đảm bảo nhu cầu khuyến nghị theo tuổi. Chất béo ưu tiên các thực phẩm giàu các axit béo không no (dầu cá, dầu ô liu, dầu đậu nành...). Tinh bột nên ưu tiên sắn, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, miến dong, bột sắn dây, bánh mì không có muối, mì ống. Không ăn các loại nấm, các thức ăn chế biến sẵn như thịt cá đóng hộp, thịt cá xông khói...
          Lưu ý, bệnh nhân suy thận phải ăn chế độ ăn giàu năng lượng, tăng khoảng 30% so với bình thường (khoảng 2.000 kcalo/ngày), chia nhỏ bữa ăn ra thành bốn-sáu bữa/ngày.
          Tăng thức ăn nhiều canxi như tôm, cá, sụn. Bổ sung đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu. Không nên ăn các đồ kích thích như ớt, hạt tiêu, hành, tỏi; không ăn thức ăn chua. Nên ăn các loại trái cây như táo, dưa hấu, lê...
          Hạn chế uống nước khi có phù, thiểu niệu hoặc vô niệu. Không nên uống rượu, bia, các loại nước khoáng, đặc biệt là nước khoáng có nhiều natri. Có thể uống các loại nước như nước mưa đun sôi, nước hoa quả tươi... Tuy nhiên, lượng nước bổ sung cho cơ thể cũng cần được theo dõi kỹ.

          Ăn gì khi tiền mãn kinh

          Giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ xuất hiện cùng triệu chứng khó chịu, mệt mỏi từ thể xác đến tinh thần…Vì vậy, việc giữ sức khỏe, nhan sắc luôn là mối quan tâm hàng đầu của chị em trong thời điểm nhạy cảm này.

            Lúc dậy thì, nội tiết tố (NTT) xuất hiện, đem lại cho bé gái vóc dáng thiếu nữ với vòng một nở nang, vòng eo thon thả, vòng ba nở to để chuẩn bị giai đoạn trưởng thành và thực hiện thiên chức làm mẹ. Khi NTT cạn dần vào tuổi tiền mãn kinh, khoảng 45 – 50 tuổi trở lên, cũng là lúc những gì xuất hiện ở tuổi dậy thì “nói lời từ tạ”.
            Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh sẽ nhận thấy da khô, tóc rụng, ngực chảy sệ… Lúc này, bổ sung nội tiết tố là cần thiết để giữ gìn vóc dáng và giảm các triệu chứng khó chịu (phải có chỉ định của bác sĩ).
            Tuy nhiên, việc bổ sung NTT tốt nhất, an toàn nhất là qua món ăn và đậu nành là thực phẩm vàng với sắc đẹp phụ nữ.
            Trong đậu nành có chứa phytoestrogen khi vào cơ thể sẽ chuyển thành chất tương tự NTT. Vì thế, những ai dùng đậu nành ít bị các cơn bừng bốc hỏa (phần trên cơ thể bất thình lình nóng bừng, ửng đỏ và đôi khi toát mồ hôi, tim đập nhanh, cuối cơn bốc hỏa là cảm giác ớn lạnh. Một cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ 1 – 10 phút, tùy người. Chúng có thể gây bứt rứt, mệt mỏi, suy kiệt ). Đậu nành ngoài việc có ảnh hưởng tích cực đối với các triệu chứng mãn kinh, còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các dạng ung thư liên quan đến NTT.
            Có nhiều món ăn được chế biến từ đậu nành như: tàu hũ chiên muối sả, tàu hũ chiên giòn nhúng nước mắm chua ngọt, tàu hũ xốt cà, canh tàu hũ nấu tóc tiên, tôm, thịt, canh tàu hũ nấu bông hẹ, canh tàu hũ nấu nấm, canh tàu hũ rong biển, canh tàu hũ nhồi khổ qua… Các loại nước uống có đậu nành như: sữa đậu nành, tàu hũ đá…
            Ngoài đậu nành, rau răm cũng có chứa phytoestrogen, vì thế, chị em nên dùng các món có rau răm như: cá bống kèo kho rau răm, các loại gỏi trộn rau răm, hột vịt lộn luộc hay xào me ăn với rau răm, bò thuôn hành răm…

            Trong Đông y còn có cây thuốc ích mẫu, thường được dùng khi kinh nguyệt chậm trễ, có màu nâu đen… giúp khí huyết lưu thông, giữ làn da đẹp.
            Cơ thể là hệ thống hoàn chỉnh và chúng luôn báo động, phát tín hiệu cho chúng ta khi cần, vì thế cần ngưng ngay những gì mà mình cảm thấy ngán – đây là dấu hiệu cơ thể báo: đã đủ.
            Khi vào giai đoạn tiền mãn kinh, chị em còn bị các triệu chứng khó chịu đi kèm: khó ngủ, dễ bị mắc bệnh tim mạch, mất xương…
            Có nhiều món ăn giúp phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh tìm loại giấc ngủ ngon. Đó là nhãn, khi mất ngủ, chỉ cần ăn khoảng 10 – 15 trái nhãn là có được giấc ngủ ngon. Thế nhưng, ăn nhãn nhiều, ngủ ngon dễ kèm “tác dụng phụ” là tăng cân. Vì thế, hãy xen kẽ nhãn với hạt sen có tim sen. Đây là vị thuốc ngủ Đông y rất tốt. Những người mất ngủ nặng thường được khuyên uống trà tim sen (dùng tim sen phơi khô làm trà uống mỗi ngày).
            Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM cho biết, một số loại rau củ giúp ngủ ngon như: rau nhút, bông sung, củ sen, bông thiên lý… Như vậy, trong thực đơn cần có thêm các món: canh chua rau nhút, canh cua rau nhút, bông sung bóp xổi, bông thiên lý xào thịt bò, bông thiên lý nấu canh, củ sen hầm đuôi heo… Cần nhớ, ăn “thuốc” nhiều hơn các nguyên liệu đi kèm thì mới có tác dụng mong muốn.
            Bên cạnh bổ sung NTT, phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, cần phải chú trọng:
            *Bảo vệ tim mạch
            Trước tuổi mãn kinh, phụ nữ ít bị bệnh tim mạch hơn nam giới cùng tuổi (nhờ NTT nữ loại bỏ các chất mỡ có hại trong máu, giữ tính đàn hồi, mềm mại của thành mạch). Tuy nhiên, sau mãn kinh, bệnh tim mạch ở phụ nữ nhiều tương đương với nam giới. Vì thế, ở tuổi này cần nêm nhạt hơn bình thường một chút, bớt ăn các món làm từ mỡ bò, mỡ heo, da gà, mỡ gà, da vịt, mỡ vịt… trong các món bò bít tết, ra gu bò, phở bò (gầu, nạm mỡ giòn…). Nên thay thế mỡ bằng dầu ăn trong nấu nướng, ưu tiên ăn các loại tôm, cá nhỏ để có thêm canxi phòng loãng xương khi NTT giảm. Trong các món ăn chơi, ăn vặt cần bổ sung thêm các loại hạt như: đậu bo tẩm bột wasabi, hạt hướng dương, đậu phông, bánh mè đen, hạt điều… Song song đó, chị em cần tập thể dục mỗi ngày.
            *Bổ sung canxi
            Khi nói đến bổ sung canxi, các nhà dinh dưỡng thường nhắc đến sữa và các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, phô mai… Bởi, ngoài can xi chúng còn có các chất giúp hấp thu canxi như: phốt pho, vitamin D. Ngoài sữa, canxi cũng hiện diện trong nhiều món ăn khác. BS Đào thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thach TP.HCM hướng dẫn: “Nên ăn các loại rau xanh, tôm, cua, cá nhỏ, nhưng lượng canxi trong các loại này được hấp thu không nhiều bằng sữa. Khi bổ sung canxi, cần uống thêm Alendronace mỗi tuần 1 viên. Viên thuốc này có tác dụng ức chế hủy cốt bào (khi cơ thể còn trẻ, quá trình hủy cốt bào cũng xảy ra nhưng không nhiều như khi cao tuổi) giúp giữ xương hiệu quả”.