5 dưỡng chất ngừa đau cơ

Bạn thường cảm thấy bị chuột rút, gây đau? Giới chuyên môn cho biết, tình trạng chuột rút có thể gây ra bởi sự mệt mỏi, ít vận động, tuần hoàn máu kém, mất nước và thiếu hụt các chất dinh dưỡng nhất định.
    Theo các chuyên gia, để tránh bị chuột rút do tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng gây ra, bạn nên thường xuyên bổ sung vào cơ thể 5 loại dưỡng chất dưới đây:
    1. Nước: Khi cơ thể bạn bị mất nước sẽ làm nhiễu loạn mức cân bằng chất điện giải trong cơ thể, đồng thời gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh cơ, gây đau cơ bắp. Trung bình, mỗi người bài tiết khoảng 3-4 ly nước lớn mỗi ngày qua đường mồ hôi và nước tiểu. Vì vậy, bạn cần bảo đảm cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, trung bình khoảng 8 ly/ngày.
    2. Natri: Natri giúp cân bằng mức chất điện giải trong cơ thể, tạo ra xung điện thần kinh và giúp co cơ. Khi mức cân bằng chất điện giải bị rối loạn do thiếu natri, cơ thể sẽ tiến hành hút dinh dưỡng từ các nguồn khác, gây ảnh hưởng đến cơ bắp. Do đó bạn nên bổ sung natri vào cơ thể bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm.
    3. Canxi: Canxi có tác dụng kiểm soát tín hiệu thần kinh cơ trong lúc co duỗi. Vì thế, khi cơ thể thiếu hụt canxi, các tín hiệu thần kinh cơ sẽ không thể kiểm soát, dẫn đến bạn có thể mắc phải các cơn co thắt cơ bắp, gây đau. Các loại thực phẩm giàu canxi bao gồm các loại rau lá xanh, cá đóng hộp và sữa.
    4. Magiê: Magiê có chức năng điều chỉnh chất adenosine triphosphate (ATP), vốn là nguồn năng lượng tạo cho sự co cơ được thuận lợi, đồng thời giúp cơ bắp thư giãn. Các loại thực phẩm giàu magiê bao gồm cải bó xôi, các loại hạt, bơ, đậu, đậu nành, ngũ cốc, sữa chua, chuối, trái cây khô và sô cô la đen.

    5. Kali: Kali đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành các tế bào và dây thần kinh cơ, đồng thời giúp điều chỉnh mức cân bằng chất điện giải trong cơ thể. Các loại thực phẩm giàu kali là rau lá xanh, quả bơ, mơ khô, chuối, sữa chua, cá hồi, nấm trắng và khoai tây nướng (để cả vỏ).

    Thực phẩm ngừa chứng đau nửa đầu

    Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng đau nửa đầu. Triệu chứng phổ biến ở người bệnh là cơn đau nhói ở một bên đầu, buồn nôn, đồng thời nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

      Giáo sư Richard B. Lipton - nhà nghiên cứu thâm niên tại Khoa Thần kinh học Trường Y Albert Einstein thuộc Đại học Yeshiva (New York, Mỹ) - giải thích rằng, chứng đau nửa đầu là một rối loạn sức khỏe có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
      Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người bị chứng đau nửa đầu có thể tăng gấp đôi nguy cơ đau tim, cũng như các bệnh tim mạch khác như đột quỵ và cao huyết áp. Vì vậy, bạn đừng đánh giá thấp chứng đau nửa đầu.
      Trên thực tế, có nhiều phương pháp mà bạn có thể áp dụng nhằm giúp giảm chứng đau nửa đầu. Nghiên cứu cho thấy, ngoài việc sử dụng thuốc, để giảm chứng đau nửa đầu, bạn có thể luyện tập chạy xe đạp hoặc thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm dưới đây.

      1. Bông cải xanh và cải bó xôi
      Các chuyên gia cho biết, tình trạng thiếu hụt magiê thường là thủ phạm gây nên chứng căng cơ và đau nửa đầu, đặc biệt đối với chị em phụ nữ trước thời điểm hành kinh. Để khắc phục vấn đề này, bạn nên tiêu thụ bông cải xanh và cải bó xôi – hai loại rau xanh được đánh giá là nguồn giàu magiê và các khoáng chất.
      2. Sữa chua
      Hàm lượng vitamin B chứa trong sữa lên men có tác dụng tăng cường một số chức năng cơ thể, chẳng hạn như gia tăng quá trình tăng trưởng và phân chia tế bào. Vitamin B được biết đến như riboflavin trong sữa chua, có thể giúp cơ thể tăng nguồn năng lượng dự trữ và giảm chứng đau nửa đầu.

      3. Trứng
      Lượng protein cao chứa trong trứng được chứng minh mang lại lợi ích giúp kiểm soát mức đường huyết, đồng thời cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động trong suốt cả ngày mà không gây nhức đầu. Để mang lại hiệu quả, cách tốt nhất là bạn nên bổ sung trứng vào bữa điểm tâm.

      4. Sữa ít béo
      Loại thức uống giàu canxi này được chứng minh có tác dụng giúp giảm tình trạng căng thẳng của các mạch máu, vốn là tác nhân gây ảnh hưởng tới việc truyền xung động thần kinh của não. Theo các chuyên gia, khi quá trình lưu thông máu bị gián đoạn có thể dẫn đến chứng nhức đầu nghiêm trọng và cảm giác hồi hộp.

      Nên ăn gì khi cảm sốt?

      Khi bị cảm sốt, sức đề kháng của cơ thể giảm và năng lượng bị hao hụt nhiều, do đó, việc bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể là rất quan trọng.

        Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên và không nên ăn những thực phẩm dưới đây khi bị bệnh cảm sốt:
        Thực phẩm nên dùng
        • Uống thật nhiều nước vì khi cảm sốt, các loại vi khuẩn và vi rút trong cơ thể sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Việc uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể bạn thủy hợp tốt hơn, góp phần loại bỏ các độc tố ra ngoài một cách dễ dàng. Từ đó, bạn sẽ nhanh chóng hết bệnh.
        • Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi.
        • Để duy trì các chức năng của hệ thống miễn dịch, bạn nên hạn chế hoặc không hấp thụ chất caffeine vào cơ thể khi bị cảm sốt.
        • Nên từ chối dùng các loại thức uống chứa nhiều đường. Bởi trong môi trường có nhiều đường, các tế bào bạch cầu sẽ tiêu diệt vi khuẩn và vi rút gây bệnh một cách chậm chạp. Điều này sẽ làm cho bạn lâu hồi phục sức khỏe.
        • Nên ăn các loại thực phẩm được nấu chín kỹ thay vì ăn sống. Lý do là thực phẩm tươi sống chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh và khó được tiêu hóa tốt, sẽ làm bạn bị bệnh nặng thêm mà thôi.
        • Nên uống các loại nước ép trái cây thuộc họ nhà cam như chanh tươi, cam, bưởi, pha loãng với chút nước, không cho thêm đường vào, cho thêm vài viên đá lạnh vào nếu bạn thích.
        • Cố gắng hấp thụ nhiều loại nước ép trái cây hoặc rau củ ít ngọt.
        • Nên uống trà thảo dược, ăn món xúp nóng, cháo xay nhuyễn và sữa chua.
        • Một loại món ăn dễ tiêu hóa và có tác dụng trị cảm sốt rất tốt mà bạn nên ăn là cháo yến mạch nấu với gừng, món canh rau củ xay nhuyễn.
        Thực phẩm nên tránh.
        • Tránh uống sữa hoặc các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng.
        • Tránh ăn thịt màu đỏ, cá, tôm, cua, sò, hến, các loại thịt khác có chứa hàm lượng cholesterol cao và khó tiêu.
        • Hạn chế ăn thức ăn cay vì vị cay sẽ làm cơ thể tăng nhiệt.
        • Uống nhiều trà quá đậm đặc sẽ làm cho não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp, dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, nếu bệnh nhân đang sốt mà uống trà sẽ làm giảm tác dụng hoặc mất hẳn tác dụng của thuốc hạ sốt.
        • Mật ong là một thực phẩm có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều mật ong khi cảm sốt sẽ dễ làm cho cơ thể bị tăng thêm nhiệt độ và chất ngọt trong mật ong sẽ cản trở quá trình diệt vi khuẩn của bạch cầu.
        • Tránh sử dụng soda, nước ngọt có ga, cà phê, bia, rượu, hút thuốc lá khi bị cảm sốt.