Chế độ ăn cần dựa trên nguyên tắc là phải đủ năng lượng, đủ vitamin, đủ yếu tố vi lượng, đảm bảo cân bằng nước, điện giải.
Trước nhất, cần hạn chế muối tối đa để tránh cao huyết áp. Không cho thêm muối vào thức ăn và kiêng cả các loại thức ăn có chứa nhiều muối như khô, mắm, tương, chao...
Tránh các thực phẩm chứa nhiều kali như các loại rau tươi, trái cây, nhất là cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, dâu...
Bổ sung đạm cho người lớn nên từ 0,4 - 0,8g/kg/ngày, tùy theo mức độ suy thận. Riêng trẻ em cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nên sử dụng đạm từ thịt bò, gà, lợn, vịt, cá, tôm, sữa... Không nên ăn nhiều đạm thực vật. Hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều phospho như: phô-mai, gan, các loại đậu, trứng...
Về năng lượng, người lớn: cần đảm bảo từ 35 - 40 kcal/kg/ngày. Trẻ em: đảm bảo nhu cầu khuyến nghị theo tuổi. Chất béo ưu tiên các thực phẩm giàu các axit béo không no (dầu cá, dầu ô liu, dầu đậu nành...). Tinh bột nên ưu tiên sắn, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, miến dong, bột sắn dây, bánh mì không có muối, mì ống. Không ăn các loại nấm, các thức ăn chế biến sẵn như thịt cá đóng hộp, thịt cá xông khói...
Lưu ý, bệnh nhân suy thận phải ăn chế độ ăn giàu năng lượng, tăng khoảng 30% so với bình thường (khoảng 2.000 kcalo/ngày), chia nhỏ bữa ăn ra thành bốn-sáu bữa/ngày.
Tăng thức ăn nhiều canxi như tôm, cá, sụn. Bổ sung đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu. Không nên ăn các đồ kích thích như ớt, hạt tiêu, hành, tỏi; không ăn thức ăn chua. Nên ăn các loại trái cây như táo, dưa hấu, lê...
Hạn chế uống nước khi có phù, thiểu niệu hoặc vô niệu. Không nên uống rượu, bia, các loại nước khoáng, đặc biệt là nước khoáng có nhiều natri. Có thể uống các loại nước như nước mưa đun sôi, nước hoa quả tươi... Tuy nhiên, lượng nước bổ sung cho cơ thể cũng cần được theo dõi kỹ.