Giai đoạn tiền mãn kinh ở phụ nữ xuất hiện cùng triệu chứng khó chịu, mệt mỏi từ thể xác đến tinh thần…Vì vậy, việc giữ sức khỏe, nhan sắc luôn là mối quan tâm hàng đầu của chị em trong thời điểm nhạy cảm này.
Lúc dậy thì, nội tiết tố (NTT) xuất hiện, đem lại cho bé gái vóc dáng thiếu nữ với vòng một nở nang, vòng eo thon thả, vòng ba nở to để chuẩn bị giai đoạn trưởng thành và thực hiện thiên chức làm mẹ. Khi NTT cạn dần vào tuổi tiền mãn kinh, khoảng 45 – 50 tuổi trở lên, cũng là lúc những gì xuất hiện ở tuổi dậy thì “nói lời từ tạ”.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh sẽ nhận thấy da khô, tóc rụng, ngực chảy sệ… Lúc này, bổ sung nội tiết tố là cần thiết để giữ gìn vóc dáng và giảm các triệu chứng khó chịu (phải có chỉ định của bác sĩ).
Tuy nhiên, việc bổ sung NTT tốt nhất, an toàn nhất là qua món ăn và đậu nành là thực phẩm vàng với sắc đẹp phụ nữ.
Trong đậu nành có chứa phytoestrogen khi vào cơ thể sẽ chuyển thành chất tương tự NTT. Vì thế, những ai dùng đậu nành ít bị các cơn bừng bốc hỏa (phần trên cơ thể bất thình lình nóng bừng, ửng đỏ và đôi khi toát mồ hôi, tim đập nhanh, cuối cơn bốc hỏa là cảm giác ớn lạnh. Một cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ 1 – 10 phút, tùy người. Chúng có thể gây bứt rứt, mệt mỏi, suy kiệt ). Đậu nành ngoài việc có ảnh hưởng tích cực đối với các triệu chứng mãn kinh, còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các dạng ung thư liên quan đến NTT.
Có nhiều món ăn được chế biến từ đậu nành như: tàu hũ chiên muối sả, tàu hũ chiên giòn nhúng nước mắm chua ngọt, tàu hũ xốt cà, canh tàu hũ nấu tóc tiên, tôm, thịt, canh tàu hũ nấu bông hẹ, canh tàu hũ nấu nấm, canh tàu hũ rong biển, canh tàu hũ nhồi khổ qua… Các loại nước uống có đậu nành như: sữa đậu nành, tàu hũ đá…
Ngoài đậu nành, rau răm cũng có chứa phytoestrogen, vì thế, chị em nên dùng các món có rau răm như: cá bống kèo kho rau răm, các loại gỏi trộn rau răm, hột vịt lộn luộc hay xào me ăn với rau răm, bò thuôn hành răm…
Trong Đông y còn có cây thuốc ích mẫu, thường được dùng khi kinh nguyệt chậm trễ, có màu nâu đen… giúp khí huyết lưu thông, giữ làn da đẹp.
Cơ thể là hệ thống hoàn chỉnh và chúng luôn báo động, phát tín hiệu cho chúng ta khi cần, vì thế cần ngưng ngay những gì mà mình cảm thấy ngán – đây là dấu hiệu cơ thể báo: đã đủ.
Khi vào giai đoạn tiền mãn kinh, chị em còn bị các triệu chứng khó chịu đi kèm: khó ngủ, dễ bị mắc bệnh tim mạch, mất xương…
Có nhiều món ăn giúp phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh tìm loại giấc ngủ ngon. Đó là nhãn, khi mất ngủ, chỉ cần ăn khoảng 10 – 15 trái nhãn là có được giấc ngủ ngon. Thế nhưng, ăn nhãn nhiều, ngủ ngon dễ kèm “tác dụng phụ” là tăng cân. Vì thế, hãy xen kẽ nhãn với hạt sen có tim sen. Đây là vị thuốc ngủ Đông y rất tốt. Những người mất ngủ nặng thường được khuyên uống trà tim sen (dùng tim sen phơi khô làm trà uống mỗi ngày).
Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM cho biết, một số loại rau củ giúp ngủ ngon như: rau nhút, bông sung, củ sen, bông thiên lý… Như vậy, trong thực đơn cần có thêm các món: canh chua rau nhút, canh cua rau nhút, bông sung bóp xổi, bông thiên lý xào thịt bò, bông thiên lý nấu canh, củ sen hầm đuôi heo… Cần nhớ, ăn “thuốc” nhiều hơn các nguyên liệu đi kèm thì mới có tác dụng mong muốn.
Bên cạnh bổ sung NTT, phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, cần phải chú trọng:
*Bảo vệ tim mạch
Trước tuổi mãn kinh, phụ nữ ít bị bệnh tim mạch hơn nam giới cùng tuổi (nhờ NTT nữ loại bỏ các chất mỡ có hại trong máu, giữ tính đàn hồi, mềm mại của thành mạch). Tuy nhiên, sau mãn kinh, bệnh tim mạch ở phụ nữ nhiều tương đương với nam giới. Vì thế, ở tuổi này cần nêm nhạt hơn bình thường một chút, bớt ăn các món làm từ mỡ bò, mỡ heo, da gà, mỡ gà, da vịt, mỡ vịt… trong các món bò bít tết, ra gu bò, phở bò (gầu, nạm mỡ giòn…). Nên thay thế mỡ bằng dầu ăn trong nấu nướng, ưu tiên ăn các loại tôm, cá nhỏ để có thêm canxi phòng loãng xương khi NTT giảm. Trong các món ăn chơi, ăn vặt cần bổ sung thêm các loại hạt như: đậu bo tẩm bột wasabi, hạt hướng dương, đậu phông, bánh mè đen, hạt điều… Song song đó, chị em cần tập thể dục mỗi ngày.
*Bổ sung canxi
Khi nói đến bổ sung canxi, các nhà dinh dưỡng thường nhắc đến sữa và các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, phô mai… Bởi, ngoài can xi chúng còn có các chất giúp hấp thu canxi như: phốt pho, vitamin D. Ngoài sữa, canxi cũng hiện diện trong nhiều món ăn khác. BS Đào thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thach TP.HCM hướng dẫn: “Nên ăn các loại rau xanh, tôm, cua, cá nhỏ, nhưng lượng canxi trong các loại này được hấp thu không nhiều bằng sữa. Khi bổ sung canxi, cần uống thêm Alendronace mỗi tuần 1 viên. Viên thuốc này có tác dụng ức chế hủy cốt bào (khi cơ thể còn trẻ, quá trình hủy cốt bào cũng xảy ra nhưng không nhiều như khi cao tuổi) giúp giữ xương hiệu quả”.