Đi chợ một tuần
Lên thực đơn rồi đi chợ cho cả tuần đang là xu hướng của nhiều bà nội trợ hiện nay. Đi chợ theo cách này giúp họ tiết kiệm thời gian, tuy nhiên cũng cần phải tính toán kỹ trong việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm và bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng của cả nhà.
Đi chợ mua sỉ!
Lên thực đơn rồi đi chợ cho cả tuần đang là xu hướng của nhiều bà nội trợ hiện nay. Đi chợ theo cách này giúp họ tiết kiệm thời gian, tuy nhiên cũng cần phải tính toán kỹ trong việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm và bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng của cả nhà.
Đi chợ mua sỉ!
Mỗi tuần, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó giám đốc Công ty phát triển kinh tế biển Duyên Hải (TP Hồ Chí Minh) chỉ đi chợ một lần: mua nhiều loại thực phẩm trữ trong tủ lạnh và xài dần. Tiết kiệm thời gian, bà lên thực đơn sẵn để đi nhanh, dễ mua. Nhiều bà nội trợ cũng phổ biến cách này. Họ tính toán kỹ: vào chợ phải gửi xe tốn 1.000 - 2.000 đồng/lượt, bảy ngày: 7.000 đồng, coi như mất "trắng" 1-2 chục trứng vịt, một tháng hết 28.000 đồng. Trong khi đó, nhiều gia đình ít người đi chợ cũng không mua gì nhiều, người bán có muốn ưu đãi cho thêm cọng hành, miếng gừng cũng khó. Chi bằng đi một lần mua nhiều thứ.
Bà Nguyễn Thị Trúc Trâm (nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) cho biết kinh nghiệm: "Đi chợ một tuần sẽ giảm được chi tiêu phát sinh và có thể mua nhiều với giá rẻ".
Mua đúng, dùng lâu
Điều đắn đo nhất khi đi chợ là chọn được thực phẩm ngoài yêu cầu vệ sinh còn phải tính toán đủ lượng thực phẩm cần dùng trong tuần, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng thành viên và sắp xếp sử dụng thực phẩm hợp lý.
Thực đơn được thiết kế dựa trên những yếu tố đó, tùy thuộc vào sở thích của từng gia đình mà có đặc điểm riêng. Tuy nhiên, tất cả các thức ăn đều phải bảo đảm đủ lượng chất dinh dưỡng cho 4 nhóm: đường bột, đạm, béo và chất xơ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng calo phù hợp với nhu cầu lao động cho người lao động văn phòng từ 1.400 - 1.600 Kcal/ngày; lao động phổ thông, thợ may, công nhân xưởng sản xuất: trung bình 2.500 Kcal/ngày; lao động nặng (thợ hồ, thợ sắt.,. là 3.000 - 3.500 Kcal/ngày; lao động cực nặng (thủy thủ, vận động viên...) cần khoảng 4.000 - 5.000 Kcal/ngày. Với những nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt như trẻ em trong mùa thi, người già có bệnh cao huyết áp... cần bổ sung thêm một số loại thực phẩm tăng cường chất dinh dưỡng đặc trưng khác.
Bảo quản thực phẩm trong một tuần?
Theo kỹ sư Võ Thị Thu Hằng, trưởng bộ môn nữ công gia chánh trường kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương: "Rau củ mua về cần phân theo thời gian chín tới mà bảo quản, xài rau ăn lá trước ăn củ sau, rau nhiệt đới trước, rau Đà Lạt sau. Trong đó, phải ưu tiên chế biến loại nào có khả năng giữ nước ít như giữa rau muống với cải xanh thì xài rau muống trước. Để bảo quản rau dài hơi, mua về lặt bỏ lá héo, chỗ dập úng, giũ bớt đất cát, không rửa mà gói trong tờ giấy báo để vào ngăn mát tủ lạnh. Cũng cần lưu ý tùy theo trọng lượng mà sắp xếp không để rau đè lên nhau dập gãy. Riêng thực phẩm tươi sống phải làm sạch, phân loại để hộp riêng".
Điều đáng lưu ý là bà nội trợ thường có thói quen để thực phẩm tươi sống chung với nước đá hoặc thực phẩm sơ chế biến. Đây là điều kiện dễ phát sinh lây nhiễm chéo, gây ngộ độc thực phẩm. Do đó nên tách biệt mọi thứ. Chẳng hạn trong cùng một ngăn cấp đông trữ thực phẩm tươi sống để nước đá phía trên, thịt bên dưới. Hạn chế mở tủ để giữ nhiệt độ ổn định, thời gian bảo quản sẽ dài hơi hơn.
Bà Thanh Lâm cho biết "Nên rã đông từ từ trong tủ lạnh trước hôm nấu một bữa, lấy thịt cho xuống ngăn mát nhưng vẫn phải đựng trong hộp đề phòng đá tan, chảy nước".
Theo trung tâm dinh dưỡng nếu thiết kế thực đơn mỗi tuần nên chọn món ăn để có hai ngày cá béo, hai ngày cá biển, hai ngày thịt. Các món xen kẽ nhau, riêng chủ nhật nên tổ chức bữa ăn tươi như làm món lẩu, món tiệc để cải thiện bữa ăn.